Không dùng thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học, nhưng những vườn rau su su ở xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vẫn phát triển xanh tốt nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng thuận lợi.
Nông dân xã Quyết Chiến chăm sóc su su
Ông Bùi Văn Bến, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết, su su vốn là một trong những loại cây trồng truyền thống của xã Quyết Chiến. Tuy nhiên, trước đây người dân chỉ trồng su su lấy quả, cho cây leo tận dụng trong vườn nhà, phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường nhật của gia đình. Đến năm 2008, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật (Sở KH-CN Hòa Bình) đầu tư hỗ trợ bà con trồng thử nghiệm su su lấy ngọn với diện tích 0,5ha.
Ban đầu, bà con còn ngần ngại và chưa muốn tham gia vì lo lắng không có đầu ra. Tuy nhiên, sau 3 tháng trồng thử nghiệm, do được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, cây sinh trưởng và phát triển mạnh, bắt đầu cho thu hoạch ngọn. Do năng suất cao lại tiêu thụ nhanh nên bà con bắt đầu trồng thử loại cây này. Thay vì để su su leo tận dụng trên rào và cây cối khác trong vườn, bà con bắt đầu làm giàn leo và canh tác bài bản.
Đến nay diện tích cây su su lấy ngọn tại xã Quyết Chiến được nhân rộng lên 48ha của gần 100 hộ tham gia canh tác. Hộ trồng nhiều khoảng 1 - 2ha, còn hộ ít cũng khoảng 400 - 500m2 tập trung chủ yếu ở xóm Biệng, Bắc Hưng và xóm Khao.
Qua đánh giá sau 10 năm phát triển tại các xã vùng cao đã cho thấy su su là loại cây trồng phù hợp và cho giá trị cao nhất so với các loại cây trồng khác. Năng suất bình quân 63 tấn/ha/năm, sản lượng trên 3.200 tấn/năm. Giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, thu nhập 252 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình su su lấy ngọn giúp người dân thoát được đói nghèo.
Mỗi năm cứ đến tầm tháng 8, tháng 9 dương lịch là thời điểm su su ra nhiều ngọn nhất, bà con bước vào dịp thu hái bận rộn, tất bật nhất trong năm. Từ rất sớm, người dân đã ra ruộng lấy ngọn, sau đó thì gom lại, xếp thành bó, giao cho lái thương ở dưới xuôi và khách chợ đến lấy hàng chuyển đi tiêu thụ.
So với cấy lúa, trồng ngô… thì trồng su su đạt hiệu quả gấp 5 - 6 lần. Đó là nhận định của bà con nông dân tại xóm Biệng, nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu
Chị Đinh Thị Quyết, chủ hộ trồng su su có kinh nghiệm ở xóm Biệng chia sẻ: “Mô hình su su lấy ngọn giúp người dân thoát được đói nghèo. Đến giờ những diện tích ruộng bấp bênh cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả đều được người dân chuyển đổi sang trồng su su. Trồng cây su su lấy ngọn vốn bỏ ra cũng không nhiều, chỉ đầu tư những cây tre, cây nứa làm giàn là có thể tận dụng được đến 6 - 7 năm. Về giống năm đầu bà con phải mua và những năm sau các hộ tự nhân được giống. Hiện gia đình tôi trồng khoảng 4.000m2 su su lấy ngọn, ngày nào cũng thu hoạch được 1 - 1,2 tạ ngọn, 1 tháng thu 3,6 tấn. Với giá bán 4.000 đồng/kg, ước tính một năm thu 80 - 90 triệu đồng”.
Gia đình bà Bùi Thị Chần cũng ở xóm Biệng, trước kia chủ yếu canh tác ngô nhưng bấp bênh hiệu quả không cao. Từ khi có chủ trương của địa phương, gia đình bà cũng chuyển đổi sang trồng cây su su lấy ngọn. Với diện tích 3.000m2 mỗi lần cắt thu được 1 tạ ngọn su su và một tháng cho thu nhập 10 - 12 triệu đồng.
Từ rất sớm, người dân đã ra ruộng lấy ngọn, sau đó thì gom lại, xếp thành bó, giao cho lái thương ở dưới xuôi
Nhờ sự nỗ lực của người dân và chính quyền xã, rau su su Quyết Chiến dần có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người biết đến. Năm 2013, sản phẩm ngọn su su được chứng nhận mô hình “Sản xuất rau su su an toàn”.
Ông Bùi Văn Bến cho biết, trồng su su lấy ngọn đang là hướng đi đúng và trở thành cây mũi nhọn của xã. Trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng diện tích su su, nhằm tạo mọi điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu rau, củ, quả sạch...
Theo Thanh Hằng (NNVN)