Nhận thấy tiềm năng của cây sen còn bỏ ngỏ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt tay nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm chế biến độc đáo, mới lạ từ cây sen. Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả để cây sen phát triển bền vững bởi đầu ra của nông sản này hiện vẫn còn bấp bênh.
Xuất hiện nhiều sản phẩm mới từ sen...
Công ty TNHH MTV SX TM DV Khánh Thu (huyện Tháp Mười) vừa đưa ra thị trường sản phẩm mới - trà lá sen. Sản phẩm này đang được người tiêu dùng rất quan tâm.
Anh Ngô Khánh Huy, Giám đốc công ty Khánh Thu chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, thấy trong lá sen chứa nhiều nhất chất alkaloids và flavonoid có tác dụng phòng, điều trị cao huyết áp, xơ vữa động mạch mà nhiều người mắc phải. Tại Nhật, các doanh nghiệp đã khai thác bộ phận lá sen để làm trà và bán với giá rất đắt, trong khi lá sen tại tỉnh nhà chưa được khai thác sử dụng. Từ đó, tôi quyết định bắt tay vào sản xuất trà lá sen”. Nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, công ty tiếp tục nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm trà từ tim sen, hạt sen và các cây dược liệu khác...
Không đóng khung sự hữu dụng của hạt sen chỉ phục vụ trong chế biến món ngon thường ngày, nhiều doanh nghiệp còn biết tận dụng khoa học kỹ thuật để biến hạt sen thành các sản phẩm khác biệt.
Đơn cử như Công ty Ramsa (TP.Sa Đéc) tận dụng nguồn nguyên liệu hạt sen sẵn có tại địa phương để cho ra đời sản phẩm độc đáo - sữa hạt sen. Sản phẩm này được chế biến từ 100% hạt sen tươi với công nghệ thủy phân tinh bột bằng enzyme được chuyển giao từ Trường Đại học Cần Thơ. Sữa sen không những là thức uống ngon, bổ dưỡng mà còn giúp người dùng có giấc ngủ ngon.
Ảnh minh họa.
Dưới góc nhìn nghệ thuật, bạn Ngô Chí Công – Giám đốc công ty Khởi Minh Thành Công (TP.Cao Lãnh) sử dụng công nghệ cao “phù phép” để sen trở nên “bất tử”, lưu giữ lâu hơn với thời gian để tạo nên các tác phẩm tranh, hoa khô... mang giá trị nghệ thuật cao. Không dừng lại đó, các sản phẩm “sen bất tử” của công ty tiếp tục được chăm chút với mẫu mã bao bì bắt mắt, đa dạng hướng đến chinh phục thị trường du lịch
Một tín hiệu đáng mừng khi gần cuối năm 2016, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa “Sen Tháp Mười”, được xem là đòn bẩy mở ra hướng đi mới cho cây sen tỉnh nhà. Nhằm giúp cây sen tiếp tục phát triển, huyện Tháp Mười quy hoạch vùng trồng sen hướng đến phát triển du lịch gắn với sản xuất. Hiện tại, ở địa phương, Công ty CP Đầu tư - Thương mại và Du lịch Đồng Tháp Mười là đơn vị được cấp phép sử dụng nhãn hiệu đang xúc tiến phát triển thị trường.
...Nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh
Tháp Mười là huyện có diện tích trồng sen cao nhất tỉnh, khoảng 350ha. Theo nhiều người trồng sen tại đây, với 2 vụ/năm lợi nhuận họ thu về trên 100 triệu đồng/ha, nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với canh tác lúa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá sen xuống thấp kỷ lục, giảm hơn 40.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết, khiến nông dân trồng sen thua lỗ. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, khiến người dân không còn mặn mà với cây sen nên đã chuyển sang canh tác những cây trồng phù hợp khác. Cụ thể năm 2016, tổng diện tích xuống giống sen ở huyện Tháp Mười giảm trên 70ha so với năm 2015.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, dù diện tích trồng sen của địa phương khá lớn nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình liên kết tiêu thụ đối với nông sản này. Từ trước đến nay, nông dân trồng sen chỉ bán sản phẩm cho cơ sở thu mua theo phương thức “mua đứt bán đoạn”. Điều này khiến đầu ra sản phẩm vẫn khá bấp bênh, người nông dân chưa an tâm trong sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười chia sẻ: “Song song với kênh tiêu thụ trong nước, sản phẩm từ cây sen của địa phương còn có một kênh tiêu thụ khá lớn từ nước ngoài (Đài Loan), với số lượng xuất mỗi tháng khoảng 1 tấn sen lụa. Tuy nhiên, việc mua bán này cũng chưa có hợp đồng tiêu thụ cụ thể. Để giúp cây sen phát triển ổn định, các ngành hữu quan cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước thông qua các mô hình liên kết tiêu thụ”.
Dù cây sen tỉnh nhà đã có nhiều doanh nghiệp khai thác nhưng vẫn còn nhiều giá trị chưa được khai thác triệt để.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, trong chuyến đi học tập kinh nghiệm mô hình trồng sen tại Myanmar, bà nhận thấy người dân nơi đây biết tận dụng triệt để các bộ phận của cây sen, họ lấy tơ sen để dệt lụa, tạo thành các sản phẩm khăn choàng bán với giá hàng trăm USD mà khách du lịch vẫn “gật đầu” mở hầu bao. Hay mô hình nuôi ong lấy mật từ hoa sen trên địa bàn huyện hiện vẫn chưa có đơn vị nào khai thác. Bà Thúy gợi ý, đây cũng là ý tưởng để doanh nghiệp, các bạn khởi nghiệp tham khảo, thực hiện nhằm bổ sung thêm những giá trị mới cho cây sen tỉnh nhà..
Nguồn: http://www.baodongthap.vn