Để giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo tỉnh An Giang đã triển khai chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu, chuyển lúa 3 vụ sang trồng cây ăn trái khác cho năng suất và lợi nhuận cao hơn...
Nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, cũng như giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn cùng với biến đổi khí hậu hiện ngày càng gay gắt hơn, việc chuyển đổi cây trồng, đặc biệt phát triển cây rau màu an toàn là một hướng đúng hiện nay của tỉnh An Giang.
An Giang là một tỉnh có lợi thế về sản xuất lúa gạo, đứng đầu tại khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên những năm gần đây sản xuất đã gặp nhiều khó khăn, do thâm canh tăng vụ, cũng như ảnh hưởng của BĐKH đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Việc SX lúa 3 vụ nhiều năm đã làm giảm dinh dưỡng trong đất từ đó dẫn đến giá thành chi phí cho sản xuất cao không mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân.
Từ những khó khăn trên, cùng với bối cảnh thị trường tiêu thụ gạo đang khó khăn hiện nay, để giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo tỉnh An Giang đã triển khai chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu, chuyển lúa 3 vụ sang trồng cây ăn trái khác cho năng suất và lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt là những vùng có lợi thế về trồng rau màu như huyện An Phú, huyện Tân Châu, huyện Chợ Mới…
An Giang phát triển vùng chuyên canh rau màu khoảng 26.000 ha đến năm 2020
Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang) cho biết: Tuy nhiên, để chuyển đổi trồng màu trên nền đất lúa không đơn giản là thay đổi giống cây trồng này bằng một giống cây trồng khác, đặc biệt là trồng rau màu an toàn thì càng khó khăn hơn, liên quan tới nhiều yếu tố như kỹ thuật canh tác tốt hơn, nông dân cần nhiều vốn hơn cho việc đầu tư chuyển dịch này. Cơ sở hạ tầng như thủy lợi nội đồng phải hoàn thiện hơn, phải tìm được các loại giống cho hiệu quả kinh tế, đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt khi quy hoạch sản xuất lớn thì đòi hỏi thị trường tiêu thụ là rất quan trọng.
Hiện nay tỉnh An Giang xây dựng vùng chuyên canh sản xuất và cung ứng rau, màu cho các tỉnh phía Nam và phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích các vùng chuyên canh sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh khoảng 26.000ha, trong đó tỉnh xác định 5 vùng chuyên canh quy mô lớn chiếm trên 90% diện tích chuyên canh rau màu của tỉnh tập trung ở các huyện, thị: Chợ Mới (14.100ha), An Phú (4.500ha), Châu Phú (3.630ha), Tân Châu (1.750ha) và Châu Thành (1.010ha). Quy hoạch một số vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao với diện thích khoảng 7.500ha.
Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Hiện nay An Giang cũng đang kết hợp với Cty nông nghiệp của Nhật Bản để triển khai một số dự án để đầu tư sản xuất những nông sản, đặc biệt là trái cây và rau, quả để đua vào thị trường Nhật và xuất đi các nước khác. Đồng thời hướng liên kết về đào tạo nguồn nhân lực sang Nhật học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao kỷ luật lao động và kiên thức về nông nghiệp.
Bên canh đó quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và SX theo hướng công nghệ cao. Củng cố và nâng chất các tổ chức HTX và THT. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác cho từng vùng nguyên liệu SX rau tập trung. Phát triển nhanh các DN vừa và nhỏ chuyên về lĩnh vực SX rau màu để liên kết với DN tiêu thụ.
Tập huấn nông dân quản lý chất lượng rau, xây dựng vùng nguyên liệu rau an toàn và đồng thời kiểm tra chứng nhận sản phẩm rau an toàn. Tập huấn nông dân thực hiện chế độ mã vạch nhằm truy xuất nguồn gốc rau, tiến đến xây dựng nhãn hiệu và xuất xứ sản phẩm cho vùng rau an toàn của từng địa phương.
Nâng cao tỷ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao trong SX nông nghiệp công nghệ tiên tiến như hệ thống phun tự động, hệ thống bón phân tự động... vào các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, rau an toàn… có liên kết tiêu thụ nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Nâng cấp công nghệ trồng trọt và công nghệ chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm khác có giá trị gia tăng từ rau màu, thực hiện xử lý, kiểm dịch, bảo quản, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng rau màu của tỉnh.
Tập trung ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi cho các vùng chuyên canh sản xuất rau phục vụ sản xuất như ở Chợ Mới, An Phú, Châu Phú, Tân Châu và Châu Thành. Xây dựng và gìn giữ thương hiệu các sản phẩm rau màu chủ lực của tỉnh trong đó chú trọng bắp non, bắp lai, đậu nành rau, cây mè, rau ăn lá, ớt…
Theo nongnghiep.vn